MoMA là tên viết tắt của Museum of Modern Aluminium. Dự án bắt nguồn từ một nhóm khách hàng đầy tham vọng với mục tiêu làm sống lại tầm quan trọng của nhôm ở Thái Lan.
Thái Lan từng là nhà sản xuất nhôm lớn nhất Đông Nam Á vào cuối thế kỷ 20. Sự phong phú và đa dạng các sản phẩm nhôm định hình của Thái Lan khi ấy không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn là địa chỉ xuất khẩu nhôm uy tín. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á ập đến không báo trước vào năm 1997. Điều này khiến ngành công nghiệp nhôm của Thái Lan phải bán nhôm định hình với giá rẻ cho các thị trường phần cứng trên khắp đất nước để tồn tại, dẫn đến sự lộn xộn của các bảng hiệu quảng cáo, hàng rào ban công và phần mở rộng tầng trệt. Tất cả đã tạo nên cảnh quan đường phố Bangkok như ngày nay.
Đó chính là cách MoMA thành hình. Nó nằm ở đầu mối giao thông đông đúc nhất ở ngoại ô Bangkok, nơi có mật độ giao thông đông đúc kéo theo nhiều loại biển hiệu thương mại dọc theo đường Ratchaphruek. Các con đường chính dẫn đến Cung điện Hoàng gia, Wongwian Yai, Đại học Bangkok và Ko Kret – một hòn đảo duy nhất ở Bangkok.
Hơn một thập kỷ trước, đom đóm cư trú ở Ko Kret, khiến hòn đảo này trở thành nơi nghỉ dưỡng tự nhiên của người dân Bangkok. Các kiến trúc sư của dự án mong muốn MoMA không chỉ phục vụ như một không gian công cộng mà còn là một nơi nghỉ ngơi cho những cư dân đô thị bận rộn. Tòa nhà mở rộng cảnh quan thiên nhiên của đảo Ko Kret đến khuôn viên dự án. Vào ban ngày, MoMA là một bông hoa bồ công anh, với những chi tiết nhô cao đung đưa trong gió, mang đến sự mềm mại và nhẹ nhàng cho con đường Ratchaphruek nhộn nhịp. Vào ban đêm, MoMA biến thành một con đom đóm, tạo thêm cảm giác tự nhiên và yên bình cho con đường Ratchaphruek.
MoMA không chỉ sử dụng các dải nhôm làm vật phẩm trưng bày mà còn cho phép chúng tiếp nối trong kiến trúc, cảnh quan, cũng như ánh sáng và nội thất bên trong, tạo cảm giác hài hoà từ trong ra ngoài. Mặt tiền được ốp bằng hàng chục nghìn dải nhôm, mỗi dải có màu sắc và kết cấu hơi khác nhau, giống như lông của một cây bồ công anh. Các dải nhôm kết hợp với hệ thống đèn LED kéo dài từ mặt tiền phía trước đến hai mặt tiền bên, sau đó đi thẳng qua không gian “đường hầm” ở phía Tây, lọc và làm giảm tiếng ồn của môi trường bên ngoài biến nơi này thành một địa điểm tham quan triển lãm yên tĩnh dành cho du khách.
Các dải nhôm trên mặt tiền không chỉ cung cấp nhiều chức năng chiếu sáng mà còn che nắng cho nội thất khỏi ánh nắng mặt trời giúp duy trì một môi trường bên trong thoải mái. Sự linh hoạt của không gian trưng bày có thể đáp ứng nhiều nhu cầu trưng bày. Trên tầng cao nhất, cảnh quan bao quanh giống như một hòn đảo nổi với các loài thực vật theo mùa, tạo ra một khu sinh thái đô thị cho đom đóm sinh sôi.
Quá trình thiết kế của MoMA bắt đầu từ việc nghiên cứu các biển hiệu bằng nhôm thường thấy trên đường phố, sau đó sử dụng nhôm như một yếu tố để liên kết toàn bộ công trình. Thông qua việc kiểm tra và nghiên cứu các cấu hình nhôm, một kết cấu kiến trúc khác biệt đã được tạo ra và một cảm giác mới lạ về bản địa được phát hiện trong “khu rừng bê tông” của Thái Lan.
Nguồn: Archdaily